Tags

, ,

Tiếp tục về…lãi suất! Đã đủ điều kiện giảm lãi suất chưa? Theo cái ý phát biểu của Thống đốc, thì đại khái là, lãi suất giảm trước tiên phụ thuộc vào xu hướng lạm phát, và thanh khoản của hệ thống NHTM.

* Xu hướng của lạm phát có lẽ là cái mà cả NH và doanh nghiệp trong ngóng nhất, ít nhất cũng từ Quý III năm trước. Đến nay, CPI cũng đã có đến 6 tháng tăng với mức tăng từ 1% (mom) trở xuống, CPI trong tháng 1 vốn với nhiều áp lực (tính chu kỳ: Tết như tiêu dùng cao, lương thưởng lớn; tác động của tăng giá mặt hàng cơ bản: như điện, ga, thời tiết,…) cũng đạt mức thấp thứ 2 trong 9 năm qua.

*  Đặc tính của lãi suất là giá của đồng tiền. Thế nên, mặc nhiên, xu hướng cung cầu quyết định xu hướng “giá cả” này. Tôi vốn bảo lưu quan điểm cung cầu này từ rất lâu và ngụ ý phải duy trì lãi suất cao (bằng thắt chặt) với một cơ chế thông thoáng (không áp đặt) cho đến khi lực cầu suy giảm, đó là cốt lõi của thắt chặt, một khi lãi suất còn cao, có nghĩa là lực cầu vẫn còn rất mạnh.

Hai yếu tố đẩy lãi suất lên ở đây chính là Tín dụng đối với nền kinh tế và tín dụng đối với các TCTD. Cũng không cần nói nhiều rằng, tín dụng với nền kinh tế đang suy giảm rõ rệt, suy giảm (năm 2011 chỉ tăng chưa đến 12%) đến mức không phải “đụng” đến cái “trần” (20%, rồi 15 – 16% cho năm 2011) của cơ quan chủ quản (khác với năm 2008!). Về mặt DN, chắc chắn rằng, đã “ngấm đòn” đối với những DN không quản được dòng tiền một cách trơn tru hoặc sử dụng quá nhiều nợ (cũng có thể nói là “tay không bắt giặc”). Tín dụng sẽ vẫn tăng, nhưng có thể khẳng định, đó là tín dụng đối với DN tốt, tín dụng của NH tốt và tín dụng vào đúng hướng (không đầu cơ). Những NH tốt này, năm 2012 sẽ tiếp tục thoải mái cho vay, DN tốt, năm 2012 cũng tiếp tục được vay, và như một vòng lặp, tín dụng tốt, DN và NH đều tốt, lãi suất cho vay sẽ giảm, nhu cầu vay cũng tăng lên.

Phần tín dụng thứ 2 chính là Liên ngân hàng. Thực tế từ cuối quý III năm trước đến nay, các NHTM yếu hầu như chỉ lo mỗi chuyện này khi không còn quan tâm đến hoặc bị cấm phát triển tín dụng. Lãi suất liên NH đã duy trì ở mức rất cao trong thời gian rất dài, cao vượt quá cái trần của huy động TT1. Trên quan điểm thanh khỏa (phù hợp với đặc tính của TT2), thì một khi bị sock như vậy, ắt NHNN sẽ can thiệp. Trên quan điểm hạn chế tín dụng TT1, huy động thị trường 1 bị trần khá thấp so với TT2, thì rõ rang, NH dư dã chắc chắn sẽ mở rộng TT2. Lãi suất TT2 sẽ giảm! Nhưng cả hai điều này không xảy ra, lãi suất cũng không giảm bởi tắc cả hai chiều!

* Chủ ý của NHNN, những NH yếu kém được để mặc nhiên lộ diện ra thị trường. NHNN đã ở thế chủ động với các giải pháp của mình, bằng chứng là không “sợ” và chủ động để cho những NH yếu này phát bệnh. Không “sợ” vì đã tách ly và có biện pháp giải quyết, để cho “phát bệnh” (không cứu) là để cho tự nguyện đi đến sáp nhập hay làm cách nào đó để tồn tại. Chắc chắn rằng, để làm được điều này, thì từ hai năm trước, NHNN đã có rất nhiều các công cụ “phanh” hệ thống NH lại, và đỉnh điểm là năm 2011 là một chính sách cung tiền chỉ còn ½ mức cung ứng như trước, OMO và Tái cấp vốn hạn chế đến mức tối thiểu, điều kiện Tái cấp vốn cũng rất đúng với bản chất của nghiệp vụ này là “phạt” (lãi suất cao, hạn chế/cấm cho vay khi tái cấp vốn) – đẩy mọi thiệt hai phải thuộc về các NHTM.

Tiếp theo là gì? Sau khi hợp nhất 3 NH, tiếp theo sẽ là 5 – 8 NHTM nữa (như đã công bố), đầu tiên trong nhóm này sẽ là một “group” 3 NH nhỏ sẽ trình diện trong quý I (với Tổng TTS hợp nhất khoảng 870 nghìn tỷ, update 09/02: với mô thức tương tự phi vụ đầu tiên với “đỡ đầu” là một SOB cổ phần hóa đầu tiên)….

Điểm đặc biệt lần này chính là sự “ép buộc” và “cách ly” NH yếu kém với một sự “lạnh lùng”, một loạt chính sách kiên định và dứt khoát, một sự phối hợp của các NH mạnh và NH trụ cột (NHQD), tất nhiên là đúng hướng của NHNN.

Như vậy, Thanh khoản có lẽ đã nằm trong tầm kiểm soát một cách chủ động và linh hoạt (như hoạt động OMO trong dịp tết, chỉ bằng 1/5 của năm trước đó!) từ NHNN và nỗ lực từ bản thân chính các NHTM (tức đã biết những nguy cơ của chính bản thân mình để có hành động phù hợp), nên, thanh khoản đã tốt lên.

*  Thị trường tỷ giá đã có dấu hiệu ổn định từ hai tháng (trước và sau Tết) cùng với những dự báo cán cân thanh toán thặng dư và chính sách kiểm soát tín dụng ngoại tệ đang đi vào hoạt động, là một hỗ trợ tương đối cho việc giảm lãi suất đồng nội tệ.

*  Sáng nay, update thông tin thị trường, thấy rằng, Ls liên NH (tất nhiên là level) qua đêm chỉ còn 12%/năm, 1 tuần 13,5 – 14, 2 tuần 14 – 14,5, 1 tháng 15%, 3 tháng chỉ 16 – 17%/năm….Trên thị trường hoán đổi interbank (swap, spread), lãi suất cũng đã giảm từ 100 – 150 điểm, kỳ hạn 1 tháng chỉ khoảng 13%, 3 tháng 12,5%.

Khi mọi thứ bắt đầu đi theo đặc tính tự nhiên của nó (yếu tố cơ bản) và bắt đầu đi theo định hướng tốt (như định hướng tín dụng,…), và nếu tiếp tục xu hướng cũ thái quá, điều đó có thể có tác dụng ngược lại. Nên linh hoạt, dư địa và tác động về lãi suất và cung tiền đối với CSTT không phải là vô biên, phần còn lại nên tiếp tục thực hiện triệt để chủ trương vốn được đánh giá đúng đắn về chính sách tài khóa và tái cơ cấu DNNN. Nên thực hiện một cách linh hoạt, có lộ trình theo chiều hướng nới lỏng. Giảm dần lãi suất chính sách (tức, lãi suất giảm những vẫn còn ở mức cao), xem xét đối với trần lãi suất, linh hoạt trong cung ứng tiền sẽ giúp thị trường khơi thông được dòng vốn trong nền kinh tế, có tác dụng tích cực cho tăng trưởng (từ thành phần tốt) kinh tế và hỗ trợ giảm lạm phát, đảo bảo an sinh (có tăng trưởng mới đảm bảo được an sinh). Còn chờ gì?