Tags

, ,

Trong phát biểu của vị tân thống đốc, có nói về giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất bằng cách phân bổ lại dòng thanh khoản không đồng đều và bị tắc bởi nhiều lý do (tôi có nêu trong các entries về lãi suất và  “dilemma”). Một trong những biện pháp là bơm mạnh thanh khoản (không hạn chế) cho các NH thiếu mà không…phát hành tiền, thay bằng cách tăng dự trữ bắt buộc để finance cho việc bơm tiền này. Đây là điều độc đáo, có thể nói là hiếm, cũng như là một sáng kiến mới của NHNN (nếu xảy ra). Entry này tôi trình bày đơn thuần lý thuyết về chức năng cấp tín dụng (lending) của NHTW và chức năng của dự trữ bắt buộc (required reserve).

Chức năng cung cấp tín dụng cho hệ thống NHTM là một trong những chức năng quan trọng nhất của một NHTW.  Khi thực hiện chức năng này, mục đích là phát hành thêm tiền theo kế hoạch, hoặc bổ sung thanh khoản (vốn khả dụng) cho hệ thống ngân hàng, hoặc vai trò người cho vay cuối cùng (LOLR). Thực hiện nghiệp vụ nào đi nữa, thì việc cấp tín dụng này là tương đương với việc phát hành tiền (in tiền).

Thứ nhất, nói rằng, tăng DTBB để tăng lượng vốn cho NHTW để bơm trở lại cho hệ thống những NHTM thiếu thanh khoản là không đúng chức năng cơ bản của DTBB và của NHTW. Chức năng đầu tiên và cơ bản nhất của DTBB là đảm bảo khả năng thanh toán các nhu cầu vượt trội của ngân hàng (như khách hàng rút tiền mặt nhiều chẳng hạn). DTBB là khoản dự trữ để dành cho mỗi một NHTM (nhiều NHTM tạo thành tổng dự trữ), nó là một quỹ thanh khoản để NHTM đó, khi cần thiết có thể sử dụng (âm DTBB, thanh toán, không cần phải căng thẳng thanh khoản, mà là thanh toán vượt mức bình thường đang có tại quỹ dự trữ của mình tại một thời điểm nào đó) sau đó sẽ tìm mọi cách vay tiền và bỏ vào quỹ dự trữ theo quy định, việc vay mượn này theo nghĩa thông thường của nó là vay từ NHTW và vay trên thị trường liên ngân hàng. Không quỹ dự trữ nào “thanh khoản” bằng DTBB. Đây là một quỹ bất khả xâm phạm, NHTW không thể sử dụng nó để cho NHTM khác vay! (khi dùng tổng quỹ DTBB để cho NHTM khác vay, có nghĩa là đã sử dụng vốn DTBB của NHTM khác, rất nguy hiểm, bởi trong một thời điểm nào đó NHTM đang bị chiếm dụng vốn vẫn cần sử dụng đến DTBB của mình!).

Từ đó, chức năng thứ hai của DTBB là đảm bảo sự ổn định của lãi suất thị trường liên ngân hàng, cụ thể là lãi suất ngắn hạn như qua đêm (O/N) dài hơn nữa là 1 tuần, 2 tuần tùy vào cơ cấu kỳ tính DBTT của NHTW. Bởi NHTW thường sử dụng phương pháp tính DTBB theo bình quân, kỳ hạn tính dự trữ là 1 tháng (tức là bình quân trong tháng đó, tổng tiền DTBB cần phải duy trì phải lớn hơn hoặc bằng số DTBB bắt buộc phải duy trì, cho nên, trong ngắn hạn, 1 đêm, 1 tuần, NHTM có thể sử dụng thâm nguồn DTBB tạm, sau đó “bù lại” mà chưa cần phải vay trên liên NH với lãi suất nào đó nếu thấy không có lợi.) Do đó, nếu sử dụng quỹ dự trữ để cho vay tái cấp vốn, có thể làm cho lãi suất ngắn hạn trên thị trường liên NH biến động mạnh hơn, do tính linh hoạt (in tiền) của NHTW sẽ hạn chế hơn, bởi tái cấp vốn, chiết khấu luôn có kỳ hạn rất dài hơn so với lãi suất ngắn hạn O/N, 1 tuần.

Mỗi NHTM đều đã có phần của mình trong quỹ, có phần dự trữ của chính mình, khi thanh khoản căng thẳng, sẽ sử dụng thâm vào quỹ này, sau đó, sẽ vay lại từ NHTM khác hoặc NHTW (OMO, refinancing, rediscount, vay qua đêm để bù đắp thanh khoản,…) Tiền NHTW sử dụng để cho vay hoặc bơm qua các kênh của mình như OMO chẳng hạn, là được “in” ra. Việc in như thế nào, có thể xem ở entry này. Nói chung, in trong trường hợp này không phải là in tiền giấy, mà là tiền điện tử (ghi có vào TK của NHTM mở tại Sở giao dịch NHNN)

Thứ ba, khi tăng DTBB, đồng nghĩa với việc muốn thu hẹp cung tiền, tức là mâu thuẩn với việc bơm tiền ra! Cho nên, phải phân biệt rằng, hỗ trợ thanh khoản không đồng nghĩa với mở rộng CSTT và nó vẫn được thực hiện bình thường trong môi trường CSTT thắt chặt. Có nghĩa là, tăng DTBB là thực hiện định hướng thắt chặt tiền tệ, chứ không phải tăng dự trữ để có tiền thực hiện chức năng hỗ trợ thanh khoản. Thị trường sẽ tự điều tiết, khi một NHTM thiếu thanh khoản, sẽ vay trên liên NH, vay NHNN. Trường hợp của VN, là do NHNN không thực hiện triệt để chức năng hỗ trợ này, tức là phải bơm tiền không giới hạn khi cần thiết, điều tiết linh hoạt và các NHTM khác nhau đều có thể tiếp cận thanh khoản một cách tốt nhất. Khi một vài NH thiếu thanh khoản, sẽ vay từ liên NH/OMO, nếu vay NH khác khó khăn, sẽ vay NHNN với lãi suất thấp, việc vay được này buộc các NH thừa vốn phải giải lãi suất và phải cho vay lại, chứ không thể “làm giá” để đẩy NH cần vốn vào thế phải vay với lãi suất cao – tức là bị “tắc” do NHTM không thực hiện triệt để chức năng của mình.

Dự trữ bắt buộc có thể thực hiện nhất quán một tỷ lệ đối với cả hệ thống, hoặc sử dụng nhiều tỷ lệ khác nhau đối với mỗi loại NHTM khác nhau tùy vào tính chất hoạt động, tùy vào quy mô và mục đích của NHTW (multi – reserve ratios, viết về DTBB, nên đọc lại entry này (viết từ 10/2010), vẫn còn thấy “sợ” về lạm phát). Tuy nhiên, điều này là rất khó thực thi vì lý do cũng như những điều kiện đặt ra phải minh bạch và hợp lý và công bằng (như NHNN đã thực hiện với NH Nông nghiệp, và một số NHTM có dư nợ cho vay nông nghiệp cao hiện tại). Trong bài phát biểu, thống đốc có nói rằng, sử dụng những DTBB khác nhau, cho nên, có thể là nhiều, nhưng nhiều theo kiểu NHTM nào thanh khoản tốt thì cao, NHTM nào kém thanh khoản thì thấp chắc chắn là không hợp lý! Cũng như việc “lấy tiền” của NH này cho NH khác vay.

Thực tế, để thực hiện ý như vị thống đốc nói, cách hợp lý là phát hành tín phiếu bắt buộc/tự nguyện (đi vay) và có thể cho vay lại bằng những chính sách khác nhau mà không làm mở rộng cung tiền, đồng thời, “bơm” dòng vốn đúng chỗ cần hơn. Việc xác định mức độ mua tín phiếu của từng NHTM cũng dễ  phân bổ hơn.

Tất nhiên, việc tăng DTBB hay phát hành tín phiếu thì đều thuộc định hướng thắt chặt, tức là thấy rằng, với lượng cung tiền hiện tại là còn thừa và chưa phù hợp với mục tiêu giảm lạm phát! Và thị trường hiện tại không mong đợi điều đó. Hoặc là để điều hòa (cho chính sách tăng FX reserves). Đó là chức năng thứ 3 của DTBB, kiểm soát, điều tiết cung tiền để đạt được mục tiêu trung gian của CSTT và từ đó là đạt được mục tiêu cuối cùng (như ổn định giá cả, tăng trưởng).

Tuy nhiên, việc cho vay lại vẫn được sử dụng, khi mà chức năng đầu tiên của DTBB ngày càng giảm vai trò quan trọng (và cơ bản) của nó, bởi sự phát triển của các công cụ tiền tệ giúp cho NHTM đảm bảo được thanh khoản tốt nhất rồi. Đó cũng là lý do mà tỷ lệ DTBB ngày càng thấp theo sự phát triển của ngành ngân hàng (mặt bằng chung), càng lúc DTBB càng giống như/trở thành một thứ thuế đánh vào hệ thống NHTM hơn mà không có người thu, do đó nên giảm xuống. (Thậm chí, DTBB là cố định một tỷ lệ rất nhỏ và rất hiếm/không điều chỉnh (như Fed) kể cả muốn thay đổi cung tiền (Fed sử dụng lãi suất và cửa sổ chiết khấu – discount window) bởi tác động của DTBB quá lớn). Do đó, khi tỷ lệ DTBB tương đối, thì nó có thể trở thành một quỹ gọi là “Quỹ nghiệp vụ phát hành” trong nghiệp vụ phát hành tiền (mặt) của một NHTW (bao gồm nhập – xuất). Khi đem quỹ DTBB cho vay lại, giúp tiết kiệm hoặc bù đắp chi phí in tiền, và có thể tạo thu nhập bằng việc cho vay lại với lãi suất cao hơn lãi suất trả (IORR).

Từ ý nghĩa thu nhập, việc cho vay lại lại có khả năng tạo thu nhập cao (lợi ích) thì rõ ràng không nên. Có lẽ để xóa bỏ sự xung đột lợi ích với NHTM này mà thống đốc lại đưa ra việc tăng lãi suất trả cho DTBB?! Dù gì đi nữa, nếu muốn theo định hướng chính sách này, thì phát hành tín phiếu vẫn hay hơn.

Tăng Lãi suất trên DTBB (IORR) là một giải pháp nhằm giảm chi phí cho NHTM, từ đó, giảm lãi suất thị trường. Chú ý, trường hợp trả lãi suất cho tiền gửi vượt DTBB (IOER) đồng nghĩa với việc thắt chặt CSTT, và có thể đẩy Ls cho vay trên thị trường lên cao.